Náo nhiệt cơm chay dịp rằm tháng bảy

Tâm linh người Việt

Đã từ lâu việc ăn chay không còn là chuyện hiếm, nhưng cứ đến tháng bảy âm lịch hàng năm, việc ăn chay lại trở nên nhộn nhịp hơn và dần dần nó đang trở thành một nét văn hóa đẹp trong tâm linh người Việt.

Xuất phát từ câu chuyện xa xưa, rằm tháng bảy được coi là ngày lễ Vu lan báo hiếu cho cha mẹ, là ngày cúng chúng sinh với mong muốn các linh hồn được siêu thoát. Cho nên, với người Việt - luôn coi trọng nghi lễ, tổ tiên thì việc ăn chay vào những ngày này chính là một cách để đền ơn những người đã sinh thành ra mình và mong cho những "cô hồn" lang thang đây đó "không nơi nương tựa" được siêu thoát, để thấy mình thanh thản hơn.

Tự làm đồ chay cúng rằm

Đa số ở khu vực nông thôn hay các vùng ngoại thành, cơm chay trong những ngày này được cúng đơn giản, và những món chay, đồ chay đều tự làm. Chẳng hạn một mâm cỗ giản dị với bánh mật, bánh chay, hoa quả, một bát cháo trắng, gạo, muối... hay đi làm lễ cầu siêu ở các cửa chùa... như vậy cũng đã đủ cho sự thành tâm rồi.

Nhưng ở thành phố, người dân lại cầu kỳ hơn trong việc cúng rằm. Hương Ly (Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ, "Trước đây cứ đến tháng 7 âm là lại hì hụi chế biến món này món nọ, làm thì thích nhưng ngốn nhiều thời gian quá. Song bây giờ tiện hơn nhiều rồi, các đồ hàng chay được bày bán rất nhiều ở chợ hay ở các gian hàng trong siêu thị mà giá cả lại ổn định".

Người thành phố cầu kỳ hơn trong việc cúng rằm (Ảnh minh họa)

Thực vậy, nhiều hệ thống siêu thị nắm bắt được tâm lý người dân đã chuẩn bị nguồn hàng chay từ khá sớm với số lượng lớn, thậm chí có cả chương trình giảm giá, khuyến mại cho hàng chay, rau củ quả tươi trong dịp lễ đầy chất tâm linh này.

Chị Mai Chi, một nhân viên văn phòng (Hoàng Mai - Hà Nội) cho biết, chị và bạn bè rất ưa thích các món chay như thịt gà cắt lát, xúc xích xốt cà chua, chà bông, pa tê... mà giá rất phải chăng, chỉ trung bình từ 30.000đ/sản phẩm.

Còn chị Hồng Thuận, chủ một quán cà phê (Ba Đình - Hà Nội) thích thú nói rằng, ngoài các đồ chay chính, bây giờ thị trường còn tung ra các loại gia vị, hạt nêm, nước mắm, nước tương chay... nên chị rất yên tâm chế biến món ăn mà không sợ thiếu nguyên liệu.

Như vậy, có lẽ, trong tương lai, thị trường đồ chay sẽ có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong những ngày này.

Các thực đơn chay cúng rằm đầy hấp dẫn

Có lẽ, đây chính là dịp mà các quán hàng chay khách ra vào nhộn nhịp nhất, vì thế họ thi nhau đưa ra các thực đơn độc đáo, hấp dẫn đề chào mời thực khách.

Nhiều chủ quán hàng chay cho biết, càng giáp rằm, lượng khách đến quán tăng 2 - 3 lần so với những ngày thông thường. Xăng mới tăng giá, cho nên giá thực đơn chay cũng nhỉnh lên đôi chút, tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được thực khách thích đồ chay đến với cửa hàng.

Nhiều nhà hàng đưa ra các thực đơn chay hấp dẫn để mời chào thực khách (Ảnh minh họa)

Bên cạnh việc đến ăn đồ chay ngay tại chỗ, có nhiều gia đình lại có nhu cầu đặt các mâm cỗ chay về cúng ở nhà.

Chị Hoài Thu (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, do quá bận bịu không có nhiều thời gian chế biến nên cơm chay được gia đình chị đặt ở các nhà hàng. Chị còn chia sẻ, do tâm lý "Cúng cả năm không bằng rằm tháng 7" nên nhiều gia đình chịu bỏ ra cả tiền triệu sắm cỗ. Song, đa phần người dân đặt các mâm cỗ có giá dưới con số này.
Theo chủ một quán cơm chay, mỗi mâm cỗ chay thông thường có giá từ 300.000đ/ mâm đến 700.000đ/mâm. Loại cỗ được nhiều người đặt nhất là 500.000đ/mâm. Vì loại mâm cỗ này có số lượng món ăn vừa đủ lại có giá cả rất hợp với túi tiền của người dân.

Dù là mâm cỗ 300.000đ hay 700.000đ thì số lượng món ăn/ một mâm cũng khá đầy đủ, trung bình từ 7 – 11 món, cũng có thể ít hoặc nhiều hơn tùy mỗi cửa hàng. Chị Hồng Nhung (Hoàn Kiếm - Hà Nội), một "tín đồ" chay bật mí, "các món ăn chay một mâm cỗ rất ngon, phong phú và hấp dẫn. Những món phổ biến nhất có nhiều mỗi mâm cỗ như nem hải sản, nem cuốn, rau xào thập cẩm, gà chiên, nộm ngó sen, cá thu xốt...

Theo CNMN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Canh củ dền

Làm món Mứt vỏ bưởi

Người cao tuổi nên ăn gì?