Khám phá các món muối chua từ Bắc vào Nam

CNMN - Muối chua được coi là một phát minh ẩm thực đặc sắc của dân tộc Việt, từ Bắc chí Nam.

1. Thịt chua Hòa Bình


Hòa Bình nổi tiếng xa gần với món thịt lợn muối chua dân dã mà không kém phần độc đáo của người Mường ở huyện Kim Bôi. Thịt chua ăn cùng lá sung, xạ đen, lá mít non, lá đinh lăng hoặc lá vả… chấm nước mắm hay tương ớt.
Vị chua chua, dai dai, đậm đà của thịt hòa cùng vị chát và bùi của lá rừng, hương thơm của riềng, thính gạo tạo cho món ăn hương vị thật độc đáo, khó quên. Thịt chua cũng là đặc sản của vùng đất Thanh Sơn - Phú Thọ.

2. Măng chua xứ Lạng


Chỉ từ những lát măng trắng mỡ màng, xen lẫn với những quả ớt nhỏ xíu, cay xé lưỡi, thơm hương móc mật thôi cũng đủ làm nên hương vị thật đặc biệt cho món măng ớt chua cay xứ Lạng rồi.
Vị chua chua, cay cay, thơm thơm, giòn giòn của lát măng ngâm móc mật đã đánh thức được giác quan nhạy cảm của bất kỳ ai, khiến các thực khách mỗi khi đến Lạng Sơn không thể “làm ngơ” mà mua mấy hũ măng chua về làm quà.

3. Lá sắn muối chua và cá thính chua Phú Thọ


Không hề có vị gắt, lá sắn muối chua chua, ngậy ngậy, hơi chan chát, rất “đưa cơm” là món ngon quen thuộc trong mỗi bữa cơm của người dân Phú Thọ. Dưa đượm vị chua, đem kho cùng tép tạo nên một hương vị riêng biệt, ngon mắt ngon hương.


Chỉ với những nguyên liệu đơn giản: cá tươi, muối hột và thính, người dân huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đã tạo ra món cá thính chua nức tiếng gần xa. Cá thính chua ngon có mùi thơm nức của thính gạo, vị chua chua của thính lên men và đặc biệt, thịt cá có màu hồng.

Thịt cá sau khi chế biến nóng hôi hổi, thơm phưng phức, vị chua mát, thịt cá ngọt đậm đà là một món ngon vô cùng độc đáo.

4. Dưa muối - đặc sản Đồng bằng Bắc Bộ


Người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ lại rất ưa thích món dưa chua cải bẹ. Nguyên liệu chính là các loại rau, củ quả, muối ăn, đường và giấm. Món dưa muối chua có thể được ăn như những món rau trên mâm cơm thường nhật.


Nhưng cũng có nhiều loại dưa chua được sử dụng ăn kèm với một món ăn khác hoặc sử dụng trong những ngày lễ đặc biệt: Tết Nguyên đán thường có hành củ, các loại cà rốt, su hào tỉa hoa muối xổi…

Ngoài ra, còn một món muối khác phổ biến không kém là sung muối. Vị chua chát chừng mực, vị sung dìu dịu, bùi bùi làm nên một món ăn kèm không thể thiếu, đặc biệt là khi ăn kèm với các món ốc luộc dân dã.

5. Xơ mít muối chua xứ Nghệ


Ở một số vùng miền Trung Việt Nam (như Nghệ An), người dân sử dụng xơ và múi mít xanh để làm món nhút, một dạng gần giống với dưa muối chua. Trong đó, nổi tiếng nhất là nhút Thanh Chương.

Món nhút ăn giòn, đượm vị mặn của muối, cay của ớt, dậy mùi thơm của mít, thanh ngọt của mía đường… “quyện” một vị ngon rất đặc biệt. Món ăn dân dã này đã trở thành “thương hiệu” của dải đất miền Trung nghèo khó nhưng kiên cường.

6. Tôm chua Huế


Tôm chua Huế quả là thứ đặc sản “không nơi nào có được”. Nhiều địa phương có thể làm được tôm chua, nhưng chỉ ở Huế, tôm chua mới ngon đến vậy. Món ăn này có vị ngọt bùi của tôm, béo của thịt, cay, thơm của riềng, tỏi, ớt, chua của khế, chát của vả, hương thơm của rau… Tất cả dồn lên đầu lưỡi một hương vị tuyệt vời, khó có thể tả xiết.

7. Bồn bồn muối chua đất Mũi


Dưa chua bồn bồn là món đặc sản nổi tiếng của đất mũi Cà Mau. Bồn bồn sau khi hái về, thân, lá, gốc sẽ được sơ chế sạch sẽ, dùng dao nhọn bén chẻ làm hai hoặc tư tùy độ lớn của ruột bồn bồn. Sắp bồn bồn vào hũ, pha muối, đường vào nước vo gạo. Sau đó đổ hỗn hợp này ngập kín bồn bồn rồi đậy chặt hũ lại khoảng vài ngày là ăn được.

Dưa bồn bồn có thể biến tấu thành nhiều món ăn kèm với cơm nóng. Dưa chua bồn bồn không chỉ được thưởng thức tại chỗ mà nó còn trở thành những món quà ý nghĩa mà du khách mua về tặng người thân trên khắp mọi miền đất nước.

Theo TTVN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Canh củ dền

Làm món Mứt vỏ bưởi

Người cao tuổi nên ăn gì?